Venice là thành phố của điện ảnh không chỉ vì có liên hoan Venice Film Festival nổi tiếng mà còn vì đây là nơi nhiều đạo diễn đã quyết định dựng bối cảnh giữa những con đường và kênh đào nhỏ hẹp đầy mê hoặc. Nếu bạn có cơ hội du lịch Venice 1 lần trong đời, hãy thử sống cùng cảm xúc của những cảnh quay khó quên trong Sòng bạc Hoàng gia (Casino Royale, 2006), Du khách bí ẩn (The Tourist, 2010), Hỏa Ngục (Inferno, 2016), Tay Sát gái (Casanova, 2005), Nghề Ý (Italian Job, 2003),…hay MV Like A Virgin (Madona).
Nhưng khi bạn băng qua Campo San Barnaba bận rộn và nhìn vào mặt tiền tân cổ điển của nhà thờ cùng tên, mình tin rằng sẽ có điều gì đó xẹt qua trong tâm trí. Bởi vì đây là bối cảnh chính của Cuộc thập tự chinh cuối cùng – một trong những bộ phim phiêu lưu hay nhất mọi thời đại.
MỤC LỤC
Cuộc Thập tự chinh cuối cùng và Venice
Indiana Jones và Cuộc Thập tự chinh cuối cùng (Indiana Jones and the Last Crusade, 1989) là 1 trong 4 phần trong series phim về những cuộc phiêu lưu của giáo sư khảo cổ Indian Jones. Trong phần này, Indiana Jones (Indy) đi tìm Chén thánh do các hiệp sĩ sống từ thời trung cổ canh giữ. Holy Grail vốn là chiếc chén được chúa Jesus sử dụng trong bữa tối cuối cùng.
Truyền thuyết bắt đầu từ cuối thể kỷ 12, ngủ yên qua hơn 7 thế kỷ cho đến tận khi Hitler ôm mộng bá chủ thế giới và đánh thức quá khứ. Ngoài việc dùng quân đội xâm chiếm các nước khác trên khắp châu Âu, hắn còn sử dụng riêng một đạo quân chuyên săn tìm các bảo vật quí giá để tìm hiểu những sức mạnh kỳ diệu từ truyền thuyết.
Indy nhận được cuốn nhật ký và một tấm bản đồ bí ẩn từ cha anh, Henry Jones (Sean Connery). Đây là manh mối dẫn tới chiếc Chén thánh, vốn chỉ lưu truyền trong truyền thuyết. Cùng lúc đó, anh nhận được tin cha mình đã mất tích. Vị giáo sư tới Venice (Ý), lần theo tấm bản đồ và cuốn nhật ký kia, để tìm cha mình. Dù tìm được giáo sư Henry Jones, Indy lại phải tiếp tục hành trình phiêu lưu. Quân Phát xít đang tới gần chiếc Chén thánh, nếu đoạt được nó, ước mơ trở thành nòi giống bá chủ thế giới của chúng sẽ hoàn thành.
Ngoài những pha hành động gay cấn, hồi hộp, các pha rượt đuổi vô cùng nghẹt thở thì kịch bản phim có rất nhiều chi tiết đánh đố liên quan đến kinh thánh và cả trong truyền thuyết, về khảo cổ học học, lịch sử, những bí ẩn từ xa xưa chưa có lời giải đáp luôn là điểm gây tò mò cho mọi đối tượng khán giả, làm nên thành công vang dội của bộ phim.
Hình ảnh Giáo sư hay Tiến sỹ Jones cùng chiếc mũ không bao giờ rời khỏi đầu luôn đam mê săn lùng những báu vật quí hiếm và chiến đấu chống lại kẻ xấu đã được rất nhiều thế hệ thần tượng. Những mơ ước cháy bỏng có thể tham gia vào các cuộc phiêu lưu mạo hiểm đã dần hình thành trong tâm trí của biết bao đứa trẻ suốt bốn thập kỷ qua, vậy nên tại sao ta lại có thể bỏ qua khi có dịp đặt chân đến Venice cơ chứ.
Du lịch Venice qua bước chân của Indiana Jones
Tất cả những người hâm mộ Indiana Jones chắc chắn đều có và nhiều người đã mơ ước được thực hiện lại các bước chân của nhà khảo cổ tại thành phố đẹp tuyệt vời của Ý. Du lịch Venice, một phần của giấc mơ này của tuổi trẻ có thể trở thành hiện thực.
Nhà thờ Santa Maria della Salute
Điểm dừng đầu tiên – Nhà thờ Santa Maria della Salute: Bối cảnh Venice bắt đầu khi Indy và đồng nghiệp của anh, Marcus, gặp nhà khảo cổ học, Elsa Schneider, sau khi xuống từ Vaporetto. Vaporetto là taxi nước hoạt động như phương tiện giao thông công cộng ở Venice và chạy các tuyến đường thường xuyên dọc theo Kênh đào Grand Canal và giữa các hòn đảo khác nhau trong đầm phá. Cụ thể, họ xuống tại điểm dừng được gọi là Salute, trên Tuyến 1 của Vaporett, tuyến đường phổ biến nhất, ngay bên cạnh nhà thờ Santa Maria della Salute.
Rõ ràng, điểm dừng được đặt theo tên của nhà thờ. Tuy nhiên, những cảnh đó không thực sự phù hợp với điểm dừng Salute hiện tại, vì chúng được quay tại cầu cảng của fondamenta della Dogana alla Salute. Từ đây, bạn có thể nhìn thoáng qua Campanile di San Marco ở phía xa – nằm ở một góc của Quảng trường St Mark – như trong phim.
Ponte dei Pugni
Điểm thứ 2 – Ponte dei Pugni: Sau khi xuống tàu, họ đi dạo dọc theo con phố yên tĩnh của khu phố Dorsoduro. Indy đã đưa cho Tiến sỹ Schneider một bông hoa khi băng qua Ponte dei Pugni (cây cầu của những cái nắm tay), được đặt tên một cách kỳ lạ sau những năm đánh đấm giữa các băng đối thủ của Nicolotti và Castellani. Ngày nay, du khách vẫn thấy được quầy bán hoa quả với chiếc bạt màu xanh giống y như trong phim mặc dù đã hơn 30 năm trôi qua.
Chiesa di San Barnaba
Điểm thứ 3 – Chiesa di San Barnaba: Indy và những người bạn đi đến thư viện San Barnaba – nơi cha của Indy được nhìn thấy lần cuối – mặt tiền của thư viện này thực sự là một phần của Nhà thờ San Barnaba (Chiesa di San Barnaba). Nhà thờ (chỉ có phần bên ngoài) được sử dụng làm bối cảnh cho một thư viện tưởng tượng trong phim.
Campo San Barnaba, phía trước nhà thờ, được sử dụng để quay cảnh nhân vật chính Tiến sỹ Jones (hay Indy) của phim, sau khi đi qua các lối đi ngầm (không tồn tại) đầy chuột để tìm kiếm ngôi mộ của một trong những người canh giữ Các hiệp sĩ Chén Thánh, sau đó, Indy đã chui ra từ một miệng cống ở giữa quảng trường, trước sự bối rối của những khách hàng thanh lịch của quán bar ngồi trên bàn. Phân cảnh này, Indy đã thốt lên những từ nổi tiếng “Ahh, Venice!”.
Nhà thờ San Barnaba được thành lập vào thế kỷ thứ 9 nhưng diện mạo hiện tại là kết quả của đợt trùng tu năm 1749 bởi kiến trúc sư Lorenzo Boschetti. Nó nằm ở quảng trường Campo San Barnaba, nơi Katharine Hepburn cũng là nhân vật chính của một cảnh trong phim Summer Time, trong đó, cô rơi xuống kênh nước hoặc anh hói Jason Statham xuất hiện trong phần đầu của Italian Job.
Nội thất của Nhà thờ San Barnaba là một ngôi đền trông bình thường và khá đơn sơ, nhưng tháp chuông của nó là một trong những tháp lâu đời nhất trong thành phố. Nó không còn được sử dụng như một nhà thờ, nhưng được sử dụng để chứa các vật trưng bày, một trong những triển lãm nổi tiếng tại đây là về thiên tài Leonardo da Vinci.
Cuốn nhật ký của cha Giáo sư Jones, Henry Jones đã có những chỉ dẫn để con trai mình giải mật, tìm ra nơi cất giữ Chén Thánh bắt đầu từ những ký tự cổ ở nhà thờ Thánh Barnaba. Tuy nhiên, nó không chứa thông tin khi đến đây, du khách cần phải thưởng thức Grom – một trong những nhãn hiệu kem siêu hảo hạng bắt buộc phải thử khi đến Ý nằm ngay phía mặt trước nhà thờ hoặc cách đó 400m là tiệm kem ngon nhất Venice, Gelati Nico mà bất cứ khách du lịch Venice nào cũng không thể bỏ qua.
Một số bối cảnh quen thuộc khác
Trong cuộc chạy trốn khỏi các thành viên của tổ chức bí mật Brotherhood of the Cruciform Sword, nhóm của Indy chạy dọc theo con phố hư cấu Santa Lucia. Đây là nơi bắt đầu một số cảnh rượt đuổi trên thuyền cao tốc, thực tế được quay tại các cầu cảng của thị trấn Tilbury, Anh. Các cảnh của Venice sau đó tiếp tục trong vùng lân cận của Grand Canal và Palazzo Ducale. Indy sau đó thả Kazim – một thành viên của Brotherhood mà anh đã bắt được đối diện với Palazzo Barbaro, ngang với cây cầu Ponte dell’Accademia.
Cung điện này còn được gọi là Ca ‘Barbaro, từng là nơi chứa những vị khách quý như Sargent, Henry James, Robert Browning, Whistler và Monet. Hai mặt tiền khác cũng có thể được phân biệt trong cảnh – đó là của Palazzo Venier dei Leoni và Palazzo Barbarigo.
Cuộc phiêu lưu của Indiana Jones ở Venice kết thúc bằng cảnh quay điển hình nhất – một chiếc thuyền gondola lao vào một cặp đôi dọc theo Rio del Malpaga với nền là Ponte de l’Avogaria. Trong phim cũng đề cập đến khách sạn nổi tiếng Danieli, nó cũng đã xuất hiện trong các phim như The Tourist hay Casino Royal.
Nếu bạn thích khám phá các địa điểm quay phim trong chuyến đi của mình cùng với Indiana Jones và Cuộc Thập tự chinh cuối cùng, hãy thử làm điều đó với một số bộ phim khác đã được quay ở Venice như đã đề cập ở trên. Đó là một cách độc đáo, thú vị để khám phá các điểm tuyệt vời trong thành phố kênh đào.