Xứ sở nghìn lẻ một đêm, thành phố xanh, cưỡi lạc đà trên sa mạc hay thưởng thức tagine ngon tuyệt? Không, hãy quỳ xuống và thỉnh an Hoàng thượng trước đi. Vì ở Maroc, mèo chính là chủ nhân thứ hai của đất nước này.
Những con mèo hoang ở khắp mọi nơi, từ bến cảng cho đến nhà thờ, từ đường phố cho đến sa mạc. Chúng đều trong tình trạng tự do thoải mái bất cần đời lười biếng phơi nắng, lâu lâu lại nghiêng mắt nhìn du khách đang cầm máy ảnh chụp lung tung. Trong mắt Hoàng thượng, chúng ta hẳn là sinh vật rất ngu ngốc.
Tại sao Maroc là Vương quốc mèo?
Theo Hadith, nhà tiên tri Muhammad là một người yêu mèo nổi tiếng. Một ngày nọ, khi tiếng gọi cầu nguyện vang lên, Muhammed thấy con mèo Muezza của mình đang ngủ quên trên áo choàng. Người ta nói, thay vì đánh thức con mèo, ông đã cắt bỏ ống tay của chiếc áo choàng. Sự tôn trọng và bảo vệ mèo của đạo Hồi, đặc biệt là hình mẫu yêu thương mèo và bảo vệ mèo của Muhammad đã khiến người Hồi giáo coi mèo là một phần trong đức tin của họ.
Ước tính có số lượng mèo ở Maroc tương đương với số người. Mèo từ lâu đã trở thành một phần vốn có trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của người dân. Đối với những khách du lịch lần đầu đến đất nước này, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng không có cách nào để có thể ăn một bữa yên bình ngoài trời mà không bị nhiều con mèo đường phố vây quanh đòi thức ăn.
Mèo tour quanh Xứ sở nghìn lẻ một đêm nào!
Mèo lớn, mèo nhỏ, mèo cam, mèo đen, mèo vằn, mèo vện… Mèo cuộn tròn trong cửa hàng bán thảm, ưỡn ẹo ngoài đường phố, mèo chờ đợi bên ngoài cửa hàng thịt thậm chí mèo chăn lạc đà trên sa mạc….bạn chỉ có thể thấy ở Xứ sở nghìn lẻ một đêm mà thôi.
Mèo ở pháo đài cảng Essaouira không sợ người chứ đừng nói là hung dữ, chúng không từ chối sự đụng chạm của người lạ.
Ở thành phố xanh Chefchaouen, khách du lịch chụp mèo còn nhiều hơn chụp cảnh và người dân địa phương cực kỳ ủng hộ, miễn là đừng làm tổn thương chúng.
Trước mỗi cánh cửa màu xanh lam sẽ có một con mèo dừng lại. Thật lạ, ở cái thị trấn này chưa ai thấy bóng dáng một con chó. Chẳng lẽ mèo cũng có thể trông được nhà? Không, chúng ta nghĩ hơi nhiều rồi.
Ở thủ đô Rabat, nếu ra bờ sông chụp ảnh bạn có thể tình cờ gặp mấy chú mèo đang đợi tàu đánh cá trở về. Mục tiêu của chúng không chỉ là những con cá khô do ngư dân tình nguyện dâng đến mồm, mà là cũng là những con chim diệc. Chúc cả hai đều may mắn!
Hassan II ở Casablanca là nhà thờ Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới. Tòa nhà này vừa tráng lệ vừa tâm linh và ngay cả những con mèo ở đây cũng đầy kiêu hãnh.
Điều đáng kinh ngạc nhất là mèo Maroc có khả năng biến mất vào ngày thờ cúng, đặc biệt là vào ngày lễ Eid al-Adha, khi có câu nói rằng mèo “đã đi thờ cúng tập thể”. Con mèo thà từ bỏ một cơ hội tuyệt vời để ăn, nhưng cũng bày tỏ lòng hiếu đạo của mình bằng cách đợi cuộc hành hương của mọi người kết thúc.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng là một cảnh vui khi chúng ta bắt gặp những chú mèo ở khắp nơi. Số lượng mèo hoang quá nhiều dẫn đến một số sẽ phải vật lộn với bệnh tật, khan hiếm thức ăn và bị thương. Những điều này thường khiến bạn đau lòng khi nhìn thấy, nhưng đồng thời cũng vẽ nên một bức tranh thực tế về cuộc sống hàng ngày ở quốc gia tây bắc châu Phi này.
Cuối cùng, xin mượn một đoạn trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Cats in Istanbul”: “Nếu có một con mèo đang cọ vào chân và nhìn lên bạn, đó hẳn là khoảnh khắc may mắn nhất trong ngày, vì nó nhắc nhở rằng bạn vẫn còn đang sống. “