Lâm Thượng là một xã ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái mà nói như bà con ở đây là “không có trên bản đồ du lịch Việt Nam”. Song những năm gần đây, hoạt động du lịch đã hình thành và phát triển theo hướng bền vững với sự đóng góp của chính những người bản địa, chủ yếu là đồng bào người Tày.
Đến Lâm Thượng như thế nào?
Xuất phát từ Hà Nội, bạn đặt xe khách giường nằm tuyến Hà Nội – Lục Yên (250km) có các khung giờ sáng, trưa, chiều, tối, giá vé tầm 220k, di chuyển 4-5 tiếng.
Xe Du Tuyết: 19001986 hoặc Xe Hùng Hưng: 0912785262-0914252747
Ở Lâm Thượng có 2 nơi lưu trú là Xới Farmstay và Jack Ecolodge, mình đã ở cả hai nơi nhiều lần và nhiều ngày. 2 nơi là 2 kiểu nhà sàn khác nhau, điểm chung là dịch vụ chuyên nghiệp, phòng sạch đẹp, khuôn viên nên thơ. 2 nhà này gần nhau và thân nhau nên bạn có thể ở 1 chỗ và sang chơi chỗ còn lại vô tư nhé.
Chơi gì ở Lâm Thượng?
Lâm Thượng có rất nhiều hoạt động cho những ai yêu thiên nhiên, từ những cung trek với đường mòn thử thách bước chân, hang động hoang sơ kỳ vĩ cho ai yêu khám phá cho đến những cung đường đạp xe thơ mộng hay đơn giản là ngồi bè tre thư giãn thế này thôi.
Một số hoạt động đáng trải nghiệm:
– Trekking đồi 700 hay còn gọi là đồi Pù Lung Trạng
– Trekking, camping lên thảo nguyên xanh Tông Lăm
– Trekking cung Tà Pèng xuyên rừng măng mai, thăm cây cổ thụ
– Khám phá hang Thẳm Dường, hang Nà Kèn, Tát Én
– Đạp xe tắm thác Nặm Chắn
– Đạp xe quanh bản làng ngắm núi và đồng lúa
– Đi bình nguyên xanh Khai Trung
Ăn gì ở Lâm Thượng?
Thật khó để mình trả lời về đặc sản ở Lâm Thượng, vì mấy món như vịt bầu, cá suối, măng mai, gà đồi, lợn bản, cơm lam,… thì rất nhiều nơi có. Nhưng mà bữa cơm nào ở Lâm Thượng cũng ngon, thịt rau kết hợp, đủ chất dinh dưỡng, nêm nếm vừa miệng. Và quan trọng hơn, những bữa cơm ấy đầy ắp tiếng cười nên sự ngon càng được nhân lên gấp mấy lần.
Đặc biệt mùa này phải thử cho bằng hết các món từ măng: măng luộc, măng xào tỏi, măng nhồi thịt, canh măng,…
Mùa vào rừng hái măng
Tụi mình theo chân chị Tý – một nông dân, hướng dẫn viên bản địa – đi bộ từ Xới Farmstay đến bản Khéo Lẹng, từ đây bắt đầu xuyên qua rừng cọ, lạc lối giữa rừng măng mai, măng ngọt và leo qua những dốc đá tai mèo. Đường nhỏ, phủ đầy cây dương xỉ.
Điểm đến đầu tiên của tụi mình là cây Mươi Móc – một cây cổ thụ được dân làng bảo vệ, không ai được phép chặt, người dân Lâm Thượng đặc biệt yêu và bảo vệ núi đồi. Sau đó tiếp tục trekking đến thác Nặm Chắn. Thác mùa hè rất nhiều nước, trong veo, mát mẻ, các gia đình rủ nhau đi tắm thác, tắm xong thì nướng gà ăn rất thích.
Cũng cung này, nếu đi vào tháng 6, bạn có thể hái được nấm mối đấy, nhiều đủ cho 1 bữa tối no nê. Năm ngoái, mình đã trải nghiệm một buổi hái nấm mối sau mưa, đáng giá quá đi chứ.
Mùa này ở Lâm Thượng toàn măng là măng, từ măng nứa, măng mai, măng le, măng đắng đến măng ống. Thổ nhưỡng nơi này cực kỳ phù hợp với cây măng, đặc biệt là măng mai, măng nứa.
Từ ngày xưa, măng đã là một loại thức ăn mà thiên nhiên ban tặng cho người dân. Măng nứa, măng hốc giòn ngọt, đến mùa là bà con mang sọt lên rừng hái măng về ăn, số còn lại luộc phơi khô đợi đến Tết mổ lợn rồi ninh xương với măng ăn ngon ngọt vô cùng.
Làm măng cực kỳ vất vả phơi nắng phơi sương nhưng cũng mang lại thu nhập tốt và bền vững cho người dân. Bà con Lâm Thượng kiếm tiền chân chính nhờ sức lao động của mình và nhờ núi rừng ban ơn, họ trân trọng đồng tiền kiếm được, giữ gìn rừng núi. Cây măng là một phần trong cuộc sống của bà con bản núi.
Cây măng, cây tre cho củ làm thức ăn, thân cây làm nhà, chẻ nhỏ thì làm nón đội. Lá cây mai, cây giang gói bánh rất thơm nên mấy năm nay người dân hái lá sơ chế xuất khẩu đi nước ngoài rất nhiều.
Dọc đường trekking, tụi mình bắt gặp rất nhiều bà con đang gánh măng từ những núi về. Đôi vai họ gánh những sọt măng nặng trĩu, đôi chân bước đi thoăn thoắt dù đường rừng nhỏ xíu, chỉ toàn đá tai mèo. Mùi măng tươi thơm phức và mùi mồ hôi người nông dân giữa núi rừng bạt ngàn.
Khắp bản làng, người người phơi măng, nhà nhà phơi măng dù ngoài đường lớn hay trong ngõ nhỏ. Dưới cái nắng mặt trời, măng khô dần, tỏa hương. Chị Tý bảo 1 tạ măng tươi chỉ thu được 6-7kg măng khô. Bảo sao măng tươi rẻ thế, chỉ 4-5k/kg, mà măng khô thì đến vài trăm nghìn một kí.
Sau gần 2 tiếng trekking, tụi mình đến thác Nặm Chắn nghỉ ngơi, bơi lội và trở về homestay.
Những ngôi nhà sàn của người Tày ở Lâm Thượng Yên Bái đều rất cao, rộng rãi, sạch sẽ, khang trang. Cổng nhà có hoa, vườn nhà có rau đủ để cung cấp rau củ quả cho gia đình hay trao đổi với láng giềng. Nhà nào cũng có ao cá, nuôi gà vịt, thức ăn chủ yếu tự cung tự cấp.
Một thung lũng hiền hoà trù phú, giữ gìn tốt môi trường sống và và cân bằng hệ sinh thái.
Nguồn ảnh + bài viết: Ngọc Tuyết Trần – group Việt Nam Ơi!
Xem thêm các bài review hay ho khác bạn nhé:
Có một mùa hoa dã quỳ Ba Vì ngủ vùi trong sương sớm ❤️
Review chi tiết du lịch Bãi Đông Thanh Hoá
…