Có những thứ năm nào cũng diễn ra đúng ngày, đúng giờ: sinh nhật và lễ hội, thậm chí đến concept cũng chưa từng đổi khác. Bạn có thể quên ngày mình già đi một tuổi nhưng không thể quên những lễ hội truyền thống này được, vì chúng đã in sâu vào tâm trí còn hơn người yêu cũ!
Tuy rằng năm nào cũng là giới thiệu di sản quốc gia, biểu diễn ca múa nhạc đặc trưng hay diễu hành đường phố thì trong mấy nghìn năm hình thành và phát triển, những huyền thoại này đã góp phần hình thành nên xứ Đông Lào của hôm nay.
MỤC LỤC
Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất, kì nghỉ dài nhất và quan trọng nhất của người dân Việt Nam. Không nói nhiều, Tết là để trở về. Cho dù năm nay có rất nhiều người không thể đoàn tụ cùng gia đình nhưng Du lịch tử tế tin rằng khi ấy, bạn đã không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta vẫn có thể xem pháo hoa qua màn ảnh nhỏ, trò chuyện cùng người thân qua video call.

Không biết Tết ở đâu nhạt, nhưng thành thị hay nông thôn, đất liền hay hải đảo, miền núi hay miền xuôi, trong nước hay mưu sinh nơi xứ người, Tết cổ truyền đã trở thành một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt.
Hội Lim
Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh mà địa điểm chính là chùa Lim. Lễ hội được coi là nét kết tinh độc đáo của nền văn hoá Kinh Bắc.

Có nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu võ, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm, đu tiên. Nhưng được quan tâm hơn cả là phần hát quan họ. Từ hát mời trầu, gọi đò đến con nhện giăng mùng, con sáo sang sông,… Các làn điệu được đối đáp qua lại bởi liền anh liền chị mặc trang phục tứ thân truyền thống và cùng nhau dạo bước trên thuyền rồng.
Festival Huế

Là nơi chứng kiến sự thăng trầm của triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng, nên không có gì ngạc nhiên khi Huế là nơi giàu có về di sản văn hóa. Festival Huế hay Festival Làng nghề Huế diễn ra hai năm một lần (vào năm chẵn) từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm. Trong Festival Huế, lịch sử trở nên sống động với những màn trình diễn tại Đại Nội và những di tích xung quanh thành phố. Bên cạnh đó là triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ được làm ở các làng nghề có tuổi đời vài thế kỷ.
Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng tưởng nhớ vua Hùng – vị vua đầu tiên của Việt Nam. Ngày giỗ tổ như một minh chứng về lòng đoàn kết, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường của con dân Đại Việt. Để tham gia lễ hội, bạn hãy đến đất tổ Phú Thọ, cụ thể là thành phố Việt Trì. Vào đêm trước lễ hội, hàng trăm chiếc đèn lồng sẽ được thả lên bầu trời.

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Lễ hội Cầu mưa (Xến Xó Phốn)
Thung lũng Mai Châu xinh đẹp là nơi diễn ra lễ hội Xên Xó Phủi từ ngày 01/04 đến 28/04 Âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống này thực chất là một nghi lễ cầu mưa của người Thái trắng vùng Tây Bắc. Truyền thuyết địa phương kể rằng lễ hội càng lớn, mưa càng to thì mùa màng càng thịnh vượng.

Có khi nào trend lập đàn cầu mưa bắt nguồn từ đây không nhỉ?
Lễ Vu Lan

Người Việt tin rằng vào tháng 7 Âm lịch, linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thăm nhà trên trần gian của họ. Khoảnh khắc nơi cõi âm mở ra là lúc để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Vào đêm trước Ngày các linh hồn đi lang thang (15/7) các gia đình sẽ dâng những lời cầu nguyện, hoa và trái cây tại phần mộ của tổ tiên. Tiền giấy và quần áo được đốt để các linh hồn sử dụng ở thế giới bên kia.
Ngày Quốc Khánh
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập dân tộc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày Quốc Khánh hàng năm kỷ niệm thời khắc thiêng liêng đó với những biểu tượng và lá cờ yêu nước trang hoàng khắp các ngõ hẻm trên toàn đất nước.

Các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội tổ chức diễu binh vào ban ngày và đốt pháo hoa vào ban đêm. Mọi người đều ra đường ăn mừng, và du khách cũng được chào đón tận hưởng lễ hội trong những cái ôm thật chặt của nhân dân Việt Nam.
Trung thu
Ai trong chúng ta đều đã từng là trẻ con, đều háo hức đến Tết Trung thu khi có vô số đồ chơi, bánh kẹo, đèn lồng giấy và mặt nạ được bày bán. Được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, ngày hội này được tổ chức với các điệu múa lân và lễ rước đèn.

Ngoài Tết trung thu lớn nhất Việt Nam ở Tuyên Quang, bạn có biết nơi nào lung linh nhất không? Đó chính là Hội An, khi vào đêm trăng tròn vành vạnh ấy, hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng sẽ được thả trôi trên sông Thu Bồn hòa cùng không khí hoài niệm của kính của khu phố cổ.
Lễ hội Ok Om Bok
Vào 14 tháng 10 âm lịch hàng năm, người Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức một lễ hội sôi động được gọi là Ok Om Bok – Lễ cúng trăng. Tại tỉnh Sóc Trăng – nơi đậm nét văn hóa Khmer, lễ hội truyefn thống này đã khiến du khách nước ngoài mở mang tầm mắt khi được chứng kiến sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Các hoạt động phổ biến là tạ ơn thần mặt trăng về mùa màng trong năm, tiệc tùng, ca hát và nhảy múa và điểm nhấn là Cuộc đua thuyền cực kì gay cấn.

Ok Om Bok không là dịp để người Khmer Nam Bộ thể hiện bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình mà còn là dịp để các dân tộc anh em tìm hiểu và giao lưu văn hóa với nhau.
Giao thừa
May mắn thay, giao thừa năm 2020 – 2021 vừa qua, Việt Nam của chúng ta vẫn được đổ ra đường đón giao thừa trong pháo hoa rực rỡ và trao nhau những cái ôm đầy hạnh phúc. Có thể Tết Dương lịch là điều gì đó không quá quan trọng nhưng thời gian đâu ngừng lại bao giờ? Một năm mới vẫn sẽ bắt đầu theo cái cách mà chúng ta cố gắng. Cảm ơn Đông Lào, vì 2020 đầy dũng cảm!
Cũng hy vọng giao thừa 2021 – 2022, chúng ta không cần phải dũng cảm như vậy nữa. Gồng có hơi mệt rồi nha.