Không nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, không lâu đời như chợ nổi Cái Bè lại càng không có vị trí độc đáo như chợ nổi Ngã Năm nhưng chợ nổi Trà Ôn vẫn mang trong mình những nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước. Đây chắc chắn là địa điểm đáng để ghé thăm nếu bạn muốn khám phá hình thái thương mại thú vị này ở một nơi không quá đông đúc.
MỤC LỤC
1. Chợ nổi Trà Ôn ở đâu?
- Địa chỉ: 44 Trưng Trắc, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long
- Mở cửa: 4h-19h
Hậu Giang là một trong hai nhánh chính của sông Cửu Long khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Chợ nổi Trà Ôn nằm ở nơi giao nhau giữa sông Hậu Giang và sông Mang Thít. Vì vậy, đây là chợ cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển Đông. Vị trí đắc địa này mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động nông nghiệp với nguồn nước ngọt mát quanh năm, những trang trại màu mỡ phù sa và nhiều loại rau củ quả tươi theo mùa.
Sự xuất hiện của chợ nổi Trà Ôn đã đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn. Nơi đây được coi là một trong những chợ nổi lâu đời gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của cư dân Tây Nam Bộ.
2. Đến chợ nổi Trà Ôn như thế nào?
Chợ nằm ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, vì vậy trước hết du khách phải đến được Vĩnh Long. Khoảng cách 135 km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Vĩnh Long mất khoảng 3 giờ lái xe. Khi đến bến xe Vĩnh Long, bạn đi theo biển chỉ dẫn Cần Thơ bạn sẽ gặp cầu Cái Vồn. Sau đó rẽ trái và tiếp tục đi thêm khoảng 15km nữa là sẽ thấy chợ nổi Trà Ôn.
Tuy nhiên, thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ nổi Trà Ôn diễn ra vào sáng sớm trong khi hành trình giữa TP.HCM và Trà Ôn phải mất ít nhất nửa ngày. Vì vậy, bạn nên dành ít nhất một đêm để ở lại thành phố Vĩnh Long sau đó thức dậy sớm vào sáng hôm sau để tham quan.
3. Thời điểm tốt nhất để tham quan chợ
Nói chung ở khu vực chợ nổi Trà Ôn có 2 mùa chính: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4), nhiệt độ cả hai mùa đều dễ chịu. Tất nhiên, mỗi khoảnh khắc đều mang lại những xúc cảm khác nhau tùy thuộc vào lịch trình của bạn.
Vào mùa khô, Đồng bằng sông Cửu Long đẹp mê mẩn với bầu trời trong, cảnh quan xanh tươi rực rỡ, bầu không khí trong lành và độ ẩm thấp. Đây là những điều kiện tuyệt vời để bạn ngồi trên thuyền máy rong ruổi trong vài giờ và chứng kiến các hoạt động buôn bán cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.
Mùa mưa thường kéo theo độ ẩm cao, lượng mưa lớn nhưng cơn mưa cũng qua rất nhanh. Nhưng đừng vì như thế mà bạn bỏ lỡ rất nhiều loại trái cây nhiệt đới nhé, vì đây là những tháng hoa quả chín rộ khắp miệt vườn. Ngoài ra, mực nước sông cao hơn giúp hoạt động buôn bán trên chợ nổi nhộn nhịp hơn so với mùa khô.
Còn nếu nói về thời điểm trong ngày thì 5 – 6 giờ sáng là lý tưởng nhất để khám phá chợ nổi Trà Ôn. Vì mọi hoạt động của thuyền ghe chủ yếu phụ thuộc vào mực nước. Sáng sớm là đỉnh triều cường nên chợ nhộn nhịp và đông đúc nhất trong thời gian này.
4. Điều gì làm cho chợ nổi Trà Ôn trở nên thú vị?
Nằm cách cửa sông Trà Ôn khoảng 250m, chợ nổi Trà Ôn đã được mở rộng theo thời gian, quy mô hiện tại ~ chiều dài 300m và chiều rộng 150m. Dù trên bến hay dưới thuyền, mọi hoạt động ở đây đều diễn ra sôi nổi và tạo nên không khí nhộn nhịp.
Hoạt động thương mại độc đáo
Trà Ôn được biết đến là một chợ đầu mối lớn trong vùng. Mặt hàng chính là trái cây và sản phẩm nông nghiệp theo mùa. Từ Chợ nổi Trà Ôn, nông sản được chuyển đi khắp vùng thuộc hệ thống sông của Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều khu vực lân cận. Mỗi thuyền ghe luôn đầy ắp một hoặc hai loại trái cây / rau quả nhiệt đới để chúng làm cho dòng sông trở nên sinh động và rực rỡ sắc màu.
Tất cả các loại trái cây của vùng nhiệt đới đều có thể tìm thấy ở đây như chuối, ổi, quýt, cam, sầu riêng, măng cụt, xoài, bưởi, dưa hấu, dứa. Những người bán hàng chỉ nói đúng giá cho dù bạn là du khách trong nước hay nước ngoài, vì vậy đừng ngần ngại thử một ít và cảm nhận hương vị tươi ngon của bất kỳ loại trái cây nào khi bạn đến, thực sự chẳng đáng bao nhiêu tiền đâu.
Những người buôn bán ở chợ nổi có cách rất độc đáo để quảng cáo sản phẩm của họ. Do sông nước mênh mông và tiếng ồn từ động cơ thuyền, người mua có thể không nghe thấy tiếng người bán. Vì vậy, người bán buộc các loại hàng mẫu họ phải vào một chiếc sào tre cao để người mua có thể nhìn thấy từ xa và có đủ thời gian tìm cách tiếp cận thuyền của người mua.
Luôn rộn rã tiếng cười vùng sông nước!
Với lịch sử lâu đời, Trà Ôn đã trở thành chợ nổi lâu đời và gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng. Và sẽ không phải là một bức tranh hoàn chỉnh nếu không nhắc đến những cửa hàng, nhà hàng nổi, những ngôi nhà nổi của người dân địa phương.
Trên hành trình tham quan các hoạt động buôn bán của địa phương, du khách nên thử các món ăn ngon được người dân địa phương bày bán trên những chiếc thuyền nhỏ của họ. Món phổ biến nhất ở đây là bún bò ăn kèm với hoa chuối thái mỏng. Khung cảnh chợ sinh động và nhộn nhịp hơn với những chiếc thuyền nhỏ bán cà phê, trà đá, bánh mì, hủ tiếu, bánh mì, thuốc lào. Âm thanh của những người bán, người mùa mái chèo, tiếng máy thuyền tạo nên một bầu không khí náo nhiệt mà chỉ có thể tìm thấy ở các chợ nổi miền Tây Nam Bộ.
Càng về khuya, chợ nổi Trà Ôn nhường lại vẻ yên bình cho vùng sông nước. Tuy nhiên, quanh bến có vài chiếc thuyền neo đậu vì cuộc sống của họ gắn bó với nơi này. Họ sống trong những ngôi nhà nổi và neo mình trên chợ nổi ngày này qua ngày khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong những năm gần đây, hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ đã được phát triển đáng kể, nhiều thương lái bỏ thuyền vào bờ làm ăn. Tuy nhiên, chợ nổi Trà Ôn vẫn giữ được giá trị riêng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế miền Tây Nam Bộ. Trong khi các chợ nổi lớn hơn đã chinh phục được du khách thì Trà Ôn là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn trải nghiệm sự chân thực đến từng tiếng cười của người dân địa phương ở một nơi không hiện đại hóa nhưng vẫn thuận tiện để kết nối với các tuyến du lịch nổi tiếng khác.