Các chợ nổi ở miền Tây từ lâu đã trở thành địa điểm giao thương quan trọng góp phần hình thành nên nét văn hóa sông nước đặc sắc của người dân Mekong qua hàng trăm năm. Sản phẩm trên chợ nổi vô cùng phong phú và đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là rau quả tươi của địa phương.
Bạn có thể thấy hàng trăm chiếc thuyền cơ giới với đầy đủ xoài, dứa, thanh long, khế, dừa tươi và sầu riêng bán dọc sông. Phía trước mỗi thuyền sẽ có một “cây beo” – một cây sào dài để treo lên các mẫu hàng hóa. Cách này nhằm thu hút khách hàng và giúp họ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm món đồ mình cần giữa sông nước mênh mông.
Cùng Du lịch tử tế “đi dạo” một vòng qua các chợ nổi ở miền Tây dưới đây để xem có đặc sắc như “quảng cáo” bên trên không nhé. Let’s go!
MỤC LỤC
1. Chợ nổi Cái Bè
Được hình thành từ thời nhà Nguyễn vào thế kỷ 19, Cái Bè là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nằm ở khu vực sông Tiền giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Trong không khí nhộn nhịp và hỗn loạn của khu chợ, bạn như hòa vào nhịp chảy mênh mông của sông nước Mekong.
Chợ nổi Cái Bè được chia làm hai phần: nơi mua bán. Khoảng 400 đến 500 chiếc thuyền chở đầy trái cây, rau quả và các sản phẩm khác được neo đậu dọc theo bờ sông. Khác với những chợ nổi thông thường chỉ họp vào buổi sáng, Chợ bắt đầu buôn bán từ sáng sớm cho đến tận khuya.
2. Chợ nổi Cái Răng
Cái Răng là chợ nổi đông khách du lịch nhất do vị trí và khả năng tiếp cận. Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6km, chợ bắt đầu từ 5h sáng cho đến giữa trưa. Nhưng tốt nhất bạn nên có mặt ở đây trước 8h sáng để có thể ngắm nhìn những khoảnh khắc nhộn nhịp nhất của khu chợ. Từ Bến Ninh Kiều, bạn có thể bắt thuyền và đến chợ trong vòng 45 phút.
Chợ nổi Cái Răng chuyên bán các loại trái cây, nông sản, đặc sản của Cần Thơ như bưởi, sầu riêng, thanh long, dưa hấu, dứa… Các dịch vụ và sản phẩm khác như may vá, bán xăng, dầu, mắm, thuốc, bánh kẹo, muối , quần áo, mỹ phẩm, đồ gia vị,… đều có ở đây.
Ngoài ra còn có một số thuyền nhỏ phục vụ nước ngọt, rượu và đồ ăn. Và bạn cũng không nên bỏ qua một trải nghiệm thú vị khi đến Chợ Nổi Cái Răng là dùng bữa sáng trên thuyền với một số món ăn địa phương như phở, bún riêu, hủ tiếu, cơm tấm,…với giá cực bèo.
3. Chợ nổi Phong Điền
- Địa chỉ: Nhơn Ái, Huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Nằm cách TP.Cần Thơ khoảng 20km về phía Tây Nam, Chợ nổi Phong Điền tuy ít đông đúc và nhỏ hơn nhiều so với chợ nổi Cái Răng nhưng thực sự rất chân thực. Chợ nổi bán lẻ này cung cấp các sản phẩm phong phú và đa dạng như trái cây, rau củ, thực phẩm, đồ gia dụng, xăng dầu và dụng cụ lao động. Người ta có gì ở chợ đất, Phong Điền cũng có. Ở đây ít thuyền máy, chủ yếu là xuồng ba lá được chèo bằng tay nên để bạn có thể nghe thấy rõ ràng âm thanh từ những người buôn bán.
Đối với những người muốn tránh một lượng lớn khách du lịch ở Chợ Cái Răng và có được trải nghiệm thực sự về cuộc sống hàng ngày của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, đến Phong Điền là một lựa chọn hợp lý. Để bắt được cảnh đẹp nhất của phiên chợ, bạn nên đến đây từ 5h đến 8h sáng.
4. Chợ nổi Ngã Năm
- Địa chỉ: xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Nằm cách thị xã Sóc Trăng khoảng 60 km, Chợ nổi Ngã Năm là nơi hội tụ của 5 kênh rạch Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp – thuộc xã Ngã Năm. Chợ bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc lúc 8h sáng nhưng vào dịp Tết mở cửa cả ngày. Là chợ trung tâm của toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chợ nổi Ngã Năm cung cấp hầu hết các mặt hàng và đặc sản của vùng này, từ các loại gạo đặc trưng, trái cây nhiệt đới đến vô số loại hải sản.
Mặc dù đến nay, hoạt động buôn bán ngày càng nhộn nhịp và lượng khách đổ về đây nhiều hơn, nhưng Chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được nét độc đáo của vùng quê sông nước đặc sắc như áo bà ba, khăn rằn ri, các làn điệu dân ca và chất giọng đặc trưng của người Nam Bộ.
5. Chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp)
- Địa chỉ: Đại Thành, Ngã Bảy, Hậu Giang
Ngã Bảy, còn gọi là Chợ Nổi Phụng Hiệp, mở cửa từ năm 1915. Hơn một trăm năm nay, đây là thương cảng trọng yếu của người dân thị xã Ngã Bảy. Đúng như tên gọi, chợ nằm ở giao điểm của 7 con sông: Cái Côn, Măng Sao, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu và Xẻo Đông.
Chợ Ngã Bảy có nhiều loại hàng hóa phong phú, đặc biệt là trái cây, nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và các loại chiếu. Ngoài ra, chợ còn có bán rắn, rùa, chim, kỳ đà, sóc… Bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng của Nam Bộ như bánh xèo, phở… ngay trên thuyền.
6. Chợ nổi Trà Ôn
Nằm ở vị trí đắc địa giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, Trà Ôn là một trong những chợ nổi lâu đời gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng.
Chợ mở từ rất sớm, khoảng 2h – 3h sáng. Từ 5h đến 6h sáng được coi là thời điểm lý tưởng nhất để khám phá khu chợ này. Bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp nhất trong ngày và lưu giữ lại những khoảnh khắc sống động nhất, từ nụ cười rạng rỡ của người bán hàng cho đến hàng dài người, xuồng, thuyền san sát nhau.
Chợ nổi Trà Ôn không chỉ là chợ cung cấp sản phẩm cho người dân địa phương mà còn trở thành chợ đầu mối lớn cung cấp nông sản cho nhiều địa phương lân cận.
7. Chợ nổi Long Xuyên
Chợ nổi Long Xuyên là một trong những địa điểm không đông khách du lịch ở tỉnh An Giang nên sẽ rất tuyệt vời cho những ai ưa thích sự yên bình và muốn cảm nhận sự gần gũi với cuộc sống bản địa. Không chỉ vậy, chợ còn là nơi khám phá những nét tinh hoa trong văn hóa và con người Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại đây bạn có thể bắt gặp hàng trăm chiếc thuyền từ nhiều nơi đến và buôn bán nông sản. Một phần của chợ trông giống như một khu ẩm thực trên mặt nước vì bạn có thể thưởng thức hàng chục món ăn hấp dẫn như phở cuốn, bánh canh, cà phê, bánh tam giác (bánh làm từ bột và nước cốt dừa), bánh bò….
8. Chợ nổi Cà Mau
Chợ nổi Cà Mau là nơi hội ngộ của ba con sông: Sông Tiền, sông Hậu và sông Trẹm nên xưa kia là nơi mưu sinh của người tứ xứ và bán rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Nhưng bây giờ chợ chỉ bán sỉ các sản vật miệt vườn và phục vụ khách du lịch. Chợ còn là nơi bán một đặc sản rất nổi tiếng ở Cà Mau là chiếu rong. Những ghe chiếu qua năm tháng đã trở thành cảm hứng để soạn giả Viễn Châu viết nên bài ca vọng cổ huyền thoại “Tình anh bán chiếu”.
Chợ nổi Cà Mau họp từ 3-4 giờ sáng đến tận chiều tối. Ở đây, người ta cũng buôn bán theo khu giống như các chợ khác trên bờ.
Những “quy tắc” của các chợ nổi ở miền Tây
Ở đâu chẳng có quy tắc, phép vu thua lệ làng mà. Vì vậy, chợ nổi có những quy tắc bất thành văn cục hay ho đấy. Bạn có thể cần biết hoặc không, quan trọng là nó thú vị thôi 🙂
Bẹo hàng
“Bẹo” trong phương ngữ Nam bộ” mang ý nghĩa là “chưng ra”. Những người bán hàng trên chợ đều treo hàng hóa lên trên một cây sào, đây chính là cây bẹo. Một cách chào hàng rất độc đáo. Ưu điểm của hình thức này là giúp bạn phân biệt được đâu là ghe mua và đâu là ghe bán. Cây bẹo còn giúp người mua trông thấy món hàng mình muốn tìm dù đứng từ rất xa vì không khí trên chợ khá ồn ào, nhiều khi bạn không nghe người bên cạnh nói gì cả đâu.
Treo mà không bán
Ở một số chợ nổi, có những gia đình sinh hoạt ngay trên ghe nên ngay trên sông nước nên quần áo, vật dụng cá nhân thỉnh thoảng cũng được treo lên. Bạn đọc kĩ xem mỗi chợ nổi bên trên xem bán gì nhé, cẩn thận nhầm đấy.
Bán mà không treo
Do đặc thù của thức ăn đồ uống, một số món làm sao treo lên cây bẹo được? nên nếu muốn tìm mua chúng thì bạn phải dựa vào thị giác, thính giác hoặc xem các biển trên mỗi ghe hàng. Một số người bán sẽ dùng kèn bấm bằng tay hoặc kèn cóc đạp chân để tạo ra âm thanh báo hiệu cho người mua. Nhưng nhiều khi âm thanh cũng hỗn tạp phết đấy.
Du khách nước ngoài hay khách du lịch từ miền bắc vào khi nghe đến chợ nổi đều thắc mắc tại sao người ta không tổ chức chợ trên đất liền cho tiện. Nhưng một khi bạn đã đi tham quan các khu chợ nổi trên thì sẽ có những trải nghiệm thực sự đáng nhớ đấy. Đây không chỉ là nơi cuộc sống thường nhật đầy thú vị của người dân miền Tây Nam Bộ thân thiện và mến khách diễn ra mà còn là nét văn hóa sông nước đặc sắc chưa từng bị mất đi dù đã trôi qua hàng thế kỉ.