Bài viết cực chi tiết và có tâm này được chị Hà Nguyễn chia sẻ trong group Du lịch khám phá châu Âu nên đối với đa số các bạn, những chuyến bay quốc tế chắc cũng không có gì xa lạ. Tuy nhiên bài này cho những bạn sắp đi lần đầu để chia sẻ một số kinh nghiệm đi máy bay ở châu Âu và kể câu chuyện vì sao chị ấy bị lỡ chuyến bay 🙂.
Năm 2020, mình khởi đầu năm mới bằng một chuyến đi ngay ngày đầu năm. Những tưởng 2020 sẽ là một năm được đi nhiều, ai ngờ hơn 2 năm sau mình mới lại được leo lên máy bay 😊.
Mình thật dại dột khi chọn chuyến bay 6:25 sáng. Nhà mình cách sân bay 1 tiếng lái xe nên phải rời nhà lúc 3 giờ sáng để đến nơi là 4 giờ. Check in thì rất nhanh gọn và trôi chảy nhưng vừa bước vào khu vực kiểm tra an ninh, nhìn thấy hàng người dài dằng dặc với nhiều gương mặt ngái ngủ cau có, mình lập tức nhớ ra tại sao mình ghét bay 😛.
MỤC LỤC
1️⃣ Các thủ tục trước chuyến bay quốc tế
1. Check in
Đây là khi họ sẽ kiểm tra hộ chiếu và visa của bạn. Thủ tục check in chỉ hoàn tất khi bạn có thẻ lên máy bay (boarding pass).
Lưu ý: Với những chuyến bay quốc tế, việc check in online không có ý nghĩa gì ngoài việc chọn chỗ ngồi, vì họ vẫn phải kiểm tra hộ chiếu của bạn trước khi cấp thẻ lên máy bay.
Ngay cả với chuyến bay nội địa, nếu bạn có hành lý kí gửi thì việc check in cũng chỉ hoàn tất khi bạn đã gửi xong hành lý. Đừng vì đã check in online mà cảm thấy yên tâm không sợ muộn giờ vv…
Check in online chỉ có giá trị như check in truyền thống trong trường hợp bạn bay nội địa, không có hành lý kí gửi và hãng đã xuất thẻ lên máy bay cho bạn ở dạng điện tử. Ngoài trường hợp trên thì việc check in online thực sự chỉ để chọn chỗ trước.
2. Security và Immigration
Immigration là bộ phận quản lý an ninh cửa khẩu. Bạn cần đi qua Immigration để đóng dấu xuất cảnh lên hộ chiếu.
Tùy từng sân bay, bạn sẽ đi qua Immigration trước hoặc sau khi kiểm tra an ninh. Security là bộ phận quản lý an ninh bay. Khi bạn đi qua Security họ sẽ scan hành lý xách tay xem có vật gì bị cấm mang lên máy bay không (ví dụ như chất lỏng quá lượng quy định, vật dụng sắc nhọn vv…).
3. Boarding
Sau những thủ tục ở mục 1 và 2 thì bạn chỉ cần chờ lên máy bay. Trong thời gian chờ bạn có thể ăn uống và mua sắm trong sân bay.
Lưu ý: Ở một số sân bay, họ có thể kiểm tra an ninh ngay tại cổng ra máy bay (boarding gate).
2️⃣ Cần ra sân bay bao lâu trước giờ bay?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì nó phụ thuộc vào sân bay, giờ bay và chuyến bay nội địa hay quốc tế. Với mỗi thủ tục kể trên, bạn có thể phải xếp hàng rất lâu nếu đông người, nhưng cũng có thể không phải chờ đợi gì nếu vắng. Tuy nhiên, việc phải xếp hàng 30 phút cho mỗi bước là hết sức bình thường.
Lưu ý: ở mục 2 mình gộp 2 bước Security và Immigration lại, vậy nên tính sơ sơ thì cũng cần phải ra sân bay trước 2 tiếng cho 4 bước trên (tính trung bình, trong điều kiện bình thường). Ngoài ra thì những yếu tố sau cũng ảnh hưởng đến thời gian bạn cần để làm thủ tục bay.
1. Bay nội địa hay quốc tế
Nếu bay nội địa thì bớt được khoản qua Immigration, nên là bạn có thể trừ bớt 30 phút. Kiểm tra an ninh thường cũng nhanh hơn một chút vì điều kiện bớt khắt khe hơn.
2. Giờ bay
Thường thì tầm sáng sớm hay tối khuya sẽ có ít chuyến bay hơn và vì thế đỡ đông hơn. Tuy nhiên nhiều khi bay sáng sớm hay tối khuya cũng vẫn đông, chỉ là bớt so với bình thường thôi.
3. Sân bay lớn hay nhỏ
Thời gian xếp hàng và chờ đợi ở các sân bay có thể rất khác nhau. Có những sân bay rộng, tần số lưu không rất cao nhưng bạn lại không mất nhiều thời gian chờ đợi vì sân bay được thiết kế khoa học, dịch vụ tốt, nhân lực đủ. Tuy nhiên với những sân bay lớn ở châu Âu thì mình không thấy điều này 🙂.
Ở châu Âu mình chỉ thích những sân bay nhỏ vì nó đơn giản, không phải đi bộ nhiều và thời gian chờ đợi thường chỉ bằng nửa so với ở sân bay lớn.
4. Các yếu tố khác như dịch bệnh, đình công
Khi có dịch bệnh hoặc đình công thì thời gian làm thủ tục bay sẽ tăng lên rất nhiều. Bạn nên làm theo chỉ dẫn của hãng bay nhé.
3️⃣ Hạn chót để làm thủ tục check in và boarding
Thời hạn này khác nhau cho mỗi hãng bay, nếu muốn biết rõ thì bạn cần xem tại trang web của hãng nhé.
🔹Chuyến bay quốc tế
Quầy check in đóng cửa khoảng 45 phút – 1 tiếng trước giờ bay.
Cổng boarding đóng cửa khoảng 15 – 20 phút trước giờ bay.
🔹Chuyến bay nội địa
Quầy check in đóng cửa khoảng 30 – 45 phút trước giờ bay.
Cổng boarding đóng cửa khoảng 10 – 15 phút trước giờ bay.
Nếu bạn đến sân bay khi đã hết hạn check in thì không có cách nào bay được đâu, vì khi họ đã đóng hệ thống thì bạn không thể gửi hành lý hay lấy boarding pass được. Như mình đã nói ở trên, check in online khi đi máy bay ở châu Âu trước từ nhà không có tác dụng gì ngoài việc chọn chỗ.
Thời hạn thứ hai là thời hạn cần có mặt tại cổng boarding. Lưu ý là họ thường “mở cổng” (để khách vào ngồi chờ) trước cả tiếng, bắt đầu cho khách lên máy bay trước khoảng 20-40 phút (tùy máy bay to hay nhỏ), và “đóng cổng” 10-20 phút trước giờ bay. Nếu bạn không có mặt tại cổng trước thời hạn này (dù đã làm tất cả các thủ tục khác) thì vẫn không bay được đâu. Ngoài ra thỉnh thoảng họ cũng đổi cổng boarding cho chuyến bay, nên đến gần giờ boarding thì bạn nhớ kiểm tra lại trên bảng điện tử xem chuyến của mình có ở cổng cũ không nhé.
Vậy là xong thủ tục trước khi bay. Sau khi bay thì đơn giản hơn. Khi xuống máy bay, bạn sẽ đi qua Immigration trước. Đây là nơi họ đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của mình, và có thể sẽ hỏi vài câu về mục đích nhập cảnh. Sau Immigration bạn sẽ ra chỗ lấy hành lý và cuối cùng là đi qua Hải quan. Mình thường không mang hàng hóa gì phải khai báo nên đi qua Hải quan nhanh lắm.
Với chuyến bay nội địa thì sẽ không có mục Immigration và Hải quan.
4️⃣ Transit và những điều cần biết
1. Có cần check in cho chuyến bay tiếp theo không?
Thường thì không, nếu hai chặng bay của bạn là của cùng một hãng (hoặc 2 hãng có liên kết với nhau) và cả hai chặng bay được đặt trên cùng một mã booking. Trong trường hợp này:
🔹Hành lý của bạn sẽ được chuyển thẳng tới điểm cuối, và bạn sẽ nhận được 2 mác gửi hành lý (checked baggage tag) cho 2 chặng. Bao giờ mình cũng kiểm tra 2 cái mác này để yên tâm là hành lý được gửi thông suốt tới điểm cuối.
🔹Đa số các hãng sẽ xuất thẻ lên máy bay cho bạn cho cả chặng thứ 2. Trong trường hợp họ không xuất thẻ được tại ga đầu, bạn sẽ phải tới quầy Transfers ở sân bay trung chuyển để lấy Boarding Pass cho chặng tiếp theo. Mình thấy bây giờ đa số các hãng đều xuất thẻ được cho cả 2 chặng, lưu ý đừng để rơi mất là được 🙂.
🔸Nếu 2 chặng bay của bạn là 2 vé rời (của 2 hãng bay không có liên kết với nhau, hoặc của cùng hãng nhưng do bạn mua riêng) thì bạn sẽ phải lấy hành lý ra ở điểm trung chuyển và check in cho chặng tiếp theo từ đó. Nếu điểm trung chuyển là một nước thứ 3 thì bạn sẽ phải đi qua Immigration rồi mới lấy được hành lý, nghĩa là bạn sẽ nhập cảnh vào nước này rồi lại xuất cảnh ngay sau đó.
2. Có cần xin transit visa không?
Khi bay từ nước A tới nước B, nếu bạn cần trung chuyển (transit) ở nước C, thường bạn không cần xin visa cho nước C nếu bạn chỉ ở khu vực transit area trong sân bay (nghĩa là bạn không nhập cảnh vào nước C).
Tuy nhiên, có một số nước vẫn yêu cầu bạn phải có airport transit visa ngay cả khi bạn chỉ ở trong sân bay (ví dụ như Mỹ, UK, áp dụng tùy quốc tịch).
Nếu bạn nối chuyến ở nước C và muốn ra khỏi sân bay, một số nước có transit visa – là loại visa rất ngắn hạn (thường chỉ có giá trị trong 48 hoặc 72 giờ). Visa này thường chỉ được cấp nếu bạn có vé đi tiếp tới nước B trong thời hạn trên.
3. Transit để bay tiếp chuyến bay nội địa
Hôm trước mình bay từ Reykjavik (thủ đô Iceland) sang Alesund (một thành phố nhỏ của Na Uy). Vì không có chuyến bay thẳng nên mình phải transit ở thủ đô Oslo của Na Uy. Iceland và Na Uy đều thuộc khu vực đi lại tự do Schengen nên khi đến Oslo mình không phải làm thủ tục nhập cảnh (không cần qua Immigration) nhưng vẫn phải thông quan (qua kiểm tra của Hải quan/Customs).
Nếu bạn bay từ London đến Alesund và transit ở Oslo, bạn sẽ phải đi qua cả Immigration và Customs tại Oslo trước khi bay tiếp đi Alesund, vì UK nằm ngoài khu vực Schengen.
🔹Lưu ý: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein không thuộc khối EU nhưng vẫn nằm trong khu vực Schengen. Với visa Schengen thì bạn đi lại tới những nước này thoải mái. Tuy nhiên nếu bạn muốn hoàn thuế cho những món đồ mua tại một trong 4 nước này thì phải làm thủ tục hoàn thuế trước khi ra khỏi nước đó.
🍁Hy vọng những chia sẻ kinh nghiệm đi máy bay ở châu Âu sẽ hữu ích cho những bạn sắp đi lần đầu tiên <3.
Hà Nguyễn chia sẻ trong group Du lịch khám phá châu Âu